KỂ VỀ CÔ ẤY!
Cô gái với thân hình mảnh khảnh, khoác trên mình
chiếc áo trắng đã ngả màu vàng đục, trên ngực áo còn lộ rõ miếng vải vá lạc
màu, mái tóc đen tuyền được cô thắt bím gọn gàng hai bên. Cô bước từng nhịp cố bắt
kịp theo sau chàng trai vừa mới 20 tuổi, anh để mái tóc xoăn tự nhiên đầy vẻ
lãng tử, thỉnh thoảng lại đưa tay lên vuốt mái tóc chẻ đôi. Mặc dù anh diện chiếc
quần jean đã bạc màu cũng được điểm vài ba miếng vá nâu, đen nhưng anh vẫn toát
lên vẻ tự tin, kèm theo nụ cười đầy ẩn ý. Thỉnh thoảng lại kéo tay cô nhắc khẽ để
cô rảo bước thật nhanh. Ngày hè tháng 8 khiến cho thời tiết lúc nào cũng nóng
khô ran, cô và anh đã đi bộ được hơn 20 km trên con đường lởm chởm đá sỏi, đôi
lúc cô cảm thấy rất tội nghiệp cho đôi dép của mình. Thứ rất quí giá đối với
hai người, phải khó khăn lắm cô mới mua được sau khi tốt nghiêp trung cấp sư phạm.
Cô đã cố gắng chọn cho mình bộ quần áo lành lặn nhất để mặc trong ngày trọng đại
hôm nay, chỉ đơn giản cô muốn lưu giữ lại chút kỷ niệm khó quên và cũng là ngày
cuộc đời cô sẽ bước sang một trang khác, đầy mời mẻ, đầy lo lằng nhưng hơn hết
khi nhìn từ phía sau chàng trai ấy cô như được tiếp thêm dũng khí để bước qua
cánh cửa của Uỷ ban nhân dân xã. Căn phòng rất đỗi sơ xài sau những năm giải
phóng, những vách nứa thưa thớt như muốn rớt xuống nhưng lại vững chắc với lá Quốc
kỳ đỏ sao vàng, chiếc bàn cũ kỹ đã xiêu vẹo trông nó thật tội nghiệp khi gồng
mình với xấp giấy tờ trên bàn. Chị chủ tịch
xã hồ hởi trong bộ đồ giải phóng vẫn nhiệt tình hăng say, thấm đậm tinh thần
cách mạng. Chỉ sau vài phút hỏi han, cô đã cầm trong tay giấy ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
loại giấy đã cũ màu, vàng đục, mỏng manh được cô và anh ký rõ ràng với chiếc
bút máy Trường sơn huyền thoại. Tâm trạng có chút khó hiểu đến kỳ lạ, hỗn độn khiến
bản thân cô cũng không biết mình đang suy nghĩ gì. Cô lại tiết tục hành trình của
mình, trời cũng đã xế chiều, trên con đường đèo chỉ còn xuất hiện vài vệt nắng,
cô dần cảm thấy bất an khi vẫn còn 20 km đợi cô phía trước. Đột nhiên, anh chạy
thật nhanh, leo lên phía sườn núi, nơi mà cây cối án ngữ cả khu rừng, anh nhìn
cô đầy tinh ý, la lớn: “ Anh có một món quà cho em” nhành hoa lan rừng trắng
tím đã nằm gọn trong tay anh từ lúc nào, cô phải thốt lên vì quá ngạc nhiên, đó
là loại hoa mà cô thích nhất, nó mong manh nhưng lại mạnh mẽ, dường như nó làm
chủ cả khu rừng. Cô hạnh phúc ngắm nhìn chúng, vuốt ve những cánh hoa mỏng manh
và khư khư trên tay trong suốt chặng đường dài.
Trời mỗi lúc một tối hơn, bầu trời nhuộm một màu đen
kịt, thứ rõ ràng nhất có lẽ là ánh trăng, nó hiên ngang soi rọi những bước chân
cô. Anh gọi nó là “ trăng ngàn” trăng cao vời vời, đầy ảo diệu cuốn hút tất cả
sự vật. Cô bắt đầu cảm thấy sơ hãi trước sự hoang dã của núi rừng, xung quanh
cô chỉ là âm thanh của côn trùng, đâu đó xa xa nghe như tiếng gầm của thú dữ,
anh vẫn nắm chắc tay cô, và giữ vững ngọn đuốc trên tay. Đây là lần đầu tiền cô
thấy con đường dài bất tận như vậy, nó khiến cô trở nên rúm ró trong bộ cánh mỏng
manh này, cô lại cảm thấy lạnh sống lưng trong những ngày tháng 8 đầy oi bức.
Anh liên tục trấn an cô, cho cô chút dũng khí nhỏ nhoi để đi tiếp, có lẽ anh đã
quá quen thuộc với con đường đèo dốc này, thỉnh thoảng trong suy nghĩ cô lại nhen
nhói lên chút hối hận, và gợi nhớ những ánh đèn đường mờ nơi cô sinh ra, ít ra
nó cũng khiến cô an tâm và ấm áp. Giọng nói trầm khàn của anh kéo cô ra khỏi những
suy nghĩ hỗn độn này. Anh bắt đầu ngân nga vài câu hát trong bài “ Phượng Hồng”
bài hát khiến cô nhớ tới thời sinh viên
của hai người, có lẽ đó là cách dỗ dành hiệu quả nhất đối với cô, cô tự nhủ “
anh thật biết cách làm cho đoạn đường ngắn lại”.
Năm 1985, mùa đông đến sớm hơn mọi khi cũng là lúc cô chuẩn bị chào đón đứa
con đầu lòng. Sau hơn một năm tài sản của anh và cô là căn nhà được làm bằng
tre, vách được chát từ rơm khô và bùn đủ để giúp gia đình nhỏ bé của cô có thể
tránh được những cơn gió lạnh khi vào đông và bỏ rơi được những cái nắng chói
chang của mùa Hạ. Trong khoảng thời gian đó cô dần bắt kịp với cái hoang sơ của
núi rừng và làm bạn với những âm thanh hoang dã. Cũng thật may mắn khi ngôi nhà
cô nằm gần con suối nhỏ, nơi cung cấp thức ăn chính cho cả nhà từ cá đến rau dại.
Công việc giảng dạy của cô và anh chỉ đủ đổi vài ba lá phiếu, cô luôn cảm thấy
hoài nghi về cuộc sống thực tại, quá khắc nghiệt, nó nhấm chìm tất cả mơ ước
hoài bão của tuổi trẻ. Cho dù, đất nước đã giải phóng được 10 năm sau trận chiến
năm 1975 nhưng lương thực, hàng hoá luôn trong tình trạng khan hiếm, Thương
nghiệp như làm chủ cả thế giới, phải khó khăn lắm cô mới đổi được vài kg gạo,
ít mỡ heo và vài lít dầu hoả. Cả cô và
anh cứ đeo bám lấy cài nghề làm “ thầy” chỉ để nắm giữ cái chế độ “tem
phiếu” trong khi hàng ngày anh phải đi mấy chục km, leo bao nhiêu con đèo, băng
qua những con suối, thứ mà cô tưởng như trong Tiểu thuyết mới xảy ra, thì nay
đang nghiễm nhiên bước vào cuộc sống của cô và anh. Trong xã hội này, cái ăn
cái mặc còn là vấn nạn vậy thì con chữ lại quá xa xỉ và viển vông, chưa kể đến
việc anh phải vận động người dân tộc cho con em họ đi học, trong khi cái lớp học
còn chưa có. Cô luôn nhận được sự chở che từ anh, đôi lúc ngắm nhìn anh ánh mắt
của cô luôn chất chứa sự tiếc nuối, cái dáng vẻ ngạo nghễ, tinh nghịch giờ chỉ
toát lên sự lo lắng, muộn phiền. Cứ mỗi khi mùa đông về thì cô lại càng xót xa
hơn, anh lại tiếp tục thêm công việc của bác “ tiều phu” sau một ngày dài giảng
dạy, anh lại tạt ngàng qua con rừng rậm rạp và bắt đầu đốn củi khô cho đến tối
khuya, để kịp phiên chợ sáng sơm với hi vọng đổi thêm được ít gạo. Cuộc sống của
cô cũng không khác gì nhiều so với cuộc sống của chị Dậu trong tác phẩm “ Tắt
đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố là mấy, một cuốc sống không chỉ tồn tại trong văn học
mà hiện hữu ngay trong chính thực tại của cô, một tác phẩm khiến cô bị ám ảnh rất
nhiều nhưng giờ đây lại thêm chút xót xa.
Năm 1988, con gái thứ hai chào đời cũng là lúc nạn
đói hoành hành khắp miền bắc, thóc gạo dự trữ cũng gần hết, cái xã hội bao cấp
ngày càng trì trệ hơn bao giờ hết, nó kìm hãm và kéo cả xã hội đi xuống, người
dân không khác gì tội phạm khi phải lén lút trao đổi hàng hoá, làm mọi cách để tự
bảo vệ cuộc sống của chính mình. Hàng ngày, cô phải chứng kiến hàng trăm người
tha hương từ những thành phố lớn lội ngược lên miền núi để tìm kiếm cái ăn với
mong ước được tồn tại trong xã hội loạn lạc này. Trong cái thời khắc đầy khó
khăn này, anh lại đưa ra quyết định khiến cô nhụt chí, “ Chúng ta sẽ chuyển nhà
ra gần Ga xe lửa” giọng anh đầy quả quyết, ánh mắt không chút do dự. Nơi đó
cách căn nhà đang ở khoảng 10 km nhưng lại tấp nập và sôi động hơn hẳn vì có xe
lửa đi qua, thứ ánh sáng duy nhất làm náo loạn cả thôn quê này. Thật may mắn,
khi vợ chồng cô nhận được sự giúp đỡ từ người chị cả, gia đình ổn định nhanh
hơn cô tưởng và ấm áp trong ngôi nhà mới, nhìn nó có chút khang trang và vững
chắc hơn. Gia đình cô cũng làm ăn khá hơn khi chế độ bao cấp được xoá bỏ thay
vào đó là nền kinh tế tự chủ người dân được tự do buôn bán, trao đổi hàng hoá,
cả xã hội như khoác lên mình chiếc áo mới, như vừa thức dậy sau một giấc ngủ
dài. Mơ ước về những thứ xa xôi, về những điều tốt đẹp về những chiếc áo mới, về
bữa cơm đầy đủ chưa kịp bắt đầu thì cô lại phải chứng kiến cảnh tan thương của
trận lũ năm 1991.
Trong đêm bão giông cả bầu trời như muốn sụp đổ,
nước như trút đổ ập xuống từng kiếp người nhỏ bé, trong ánh đèn le lói, Anh và
cô gồng mình chống chọi trước những vòng xoáy của tử thần. Những tiếng kêu cứu,
tiếng khóc than, tiếng la hét sợ hãi tất cả đều trở nên vô vọng trước sự tức giận
của đất trời. Cơn lũ ôm trọn giấc mơ yên
bình, căn nhà ấm áp nhấn chìm trong biển nước đỏ ngầu, cuốn phăng theo những
cơn sóng dữ, ném trả cho cô chỉ còn lại nền nhà trơ trụi, những cây cột xiêu vẹo,
những hố sâu đen kịt. Anh nhìn chăm chăm vào cái nền gạch đã bị cả tấn bùn đen
vùi lấp, hai bàn tay run rẩy cố gắng đào bới, kiếm tìm những gì còn xót lại. Cô
khóc… khóc cho sự sợ hãi giờ mới rõ ráng, khóc cho nỗi oan ức vô tình của quy
luật sống, khóc cho bàn tay anh đã rỉ máu. Cứ như vậy, cô đứng giữa Đất- Trời cố
đưa mắt hướng lên phía bầu trời cao xanh, không một chút gợn mây. Trong dòng nước
mắt đã cạn cô thấy “ mặt trời hôm nay vẫn mọc” đầy chói chang và kiêu kỳ.
No comments: