NHẬT KÝ BÁC SỸ
Ngày 27/10/2019.
Ngày mai, tôi có đủ bao dung!
Ngày tháng 10 năm 2019, mưa vẫn chiếm chọn bầu trời Sài gòn vào những ngày cuối tháng 10, công việc quen thuộc hàng ngày vẫn chưa kết thúc, tôi châm điếu thuốc, đứng tựa vào chiếc cửa sắt đã cũ kỹ, chúng buộc phải cựa mình vào lúc 2 giờ sáng. Tâm trạng lúc này của tôi cũng lơ lửng như khói thuốc, phải chăng hơn 15 năm làm nghề khiến tôi có chút chai sạn nhưng cái cảm giác “ hụt hẫng, tiếc nuối, đau sót” cứ chực trào ra, mổ xẻ lý trí của tôi khi chứng kiến cái thảm cảnh “ chết chóc” ấy. Chúng như một vết cắt, khơi gợi và tái hiện lại chính tuổi thơ ám ảnh của tôi.
Tôi đứng đó với bộ mặt ngơ ngác của đứa trẻ 10 tuổi, cô hàng xóm với khuôn mặt tiếc nuối kéo mạnh tay tôi, khoác vội lên bộ quần áo màu trắng, xơ xác, bắt tôi đứng im một góc. Tôi sợ hãi và cứ khóc theo phản xạ cho dù tôi chưa kịp định hình được lý do là gì.
Tôi chỉ lờ mờ nhận biết giữa những thứ âm thanh hỗn loạn của tiếng kèn, trống, tiếng kêu than và họ nói “ Cha chết”!. Tôi không đủ để hiểu hết được nhưng lại chắc chắn một điều ba sẽ chẳng còn trò chuyện hay vui đùa với tôi nữa. Trong suy nghĩ non nớt của đứa trẻ 10 tuổi, tôi bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi, toàn thân chỉ biết run rẩy, và ngủ thiếp đi trong thứ âm thanh ám ảnh đó.
Những ngày tháng tiếp theo của gia đình tôi bao phủ bởi lớp màn không khí u tối, tôi không còn thấy nụ cười của mẹ, những âm thanh cãi vã hàng ngày của chị em chúng tôi cũng mờ nhạt đi. Mọi hoạt động của chúng tôi diễn ra trong im lặng, tôi cũng không biết từ lúc nào mà mọi thứ lại trở nên gượng gạo và sợ sệt đến vậy.
Tháng ngày tuổi thơ của tôi đi kèm với những bữa cơm ít ỏi, cái nghèo từ bao giờ đã trở thành hiển nhiên, tôi mơ mộng đến chiếc sách mới, tôi buồn bực với chiếc xe đạp cũ kỹ. Tôi bước sang tuổi 15 đầy vẻ giận dữ, tôi giận dữ với ngôi nhà cơ cực, tôi giận dữ với người mẹ tảo tần. Tôi bắt đầu bị ám ảnh với những cuộn dây thừng, tôi sợ hãi trước bàn tay rớm máu của mẹ khi ngồi hàng giờ để vật lộn với chúng.
Tôi ghét việc phải ra khỏi nhà khi màn đêm vẫn trực trên đầu chỉ để kịp phiên chợ sớm mai. Nhưng đổi lại tôi cảm thấy được trả công khi ngắm vội ánh bình minh rực rỡ, nó hào hứng vén bức màn bí ẩn ở phía xa biển khơi. Để khơi gợi trong tôi cái mong mỏi “ vượt biên”. Tôi bắt đầu khao khát được thả trôi mình trên biển khơi ra xôi, được vượt qua ngàn con sóng chỉ để tìm kiếm cái ánh nắng rực rỡ nhất có thể đem tôi tới một nơi bình yên hơn.
Tuổi 15 tôi đi tìm kiếm lại chính bản thân mình trong sự chếnh choáng của bao nỗi cơ cực, tôi bắt đầu tự đặt câu hỏi và phải tự tìm kiếm câu trả lời. Khi tôi đang đảo điên trong sự chênh vênh, khi tôi muốn đánh mất bản thân trong hồ đen của tử thần, trong trí nhớ của tôi cứ mập mờ trên con dốc lên xuống trong những chuyến xe còn rôm rả tiếng cười đùa của cha. Tôi và cha đang thi nhau nhún nhảy trên chiếc xe tải cồng kềnh trên đường ra thành phố Quy Nhơn, khi ông vui vẻ chọc ghẹo tôi những câu vu vơ, khi tôi hồn nhiên cười đùa bởi thế giới của tôi êm đềm hơn bao giờ hết. Tôi thức tỉnh trong cái mộng mị quay cuồng, thứ tôi nhớ là lời mong ước cuối cùng của cha “ Con hãy trở thành một bác sỹ bằng trái tim của chính con”.
Chỉ vì câu nói ấy đã khiến tôi trở nên cau gắt, tôi bắt đầu ghét cái trọng trách năng nề mà ba phó thác cho tôi. Tôi chắc chắn đã quên nó từ khi ông bỏ mặc chúng tôi tại thế gian này.
Ngày tháng năm 1996, tôi cầm trên tay giấy thông báo trúng tuyển trường ĐHY Dược TP Hồ Chí Minh, cảm giác gánh nặng trong tôi lại tăng lên, tôi bắt đầu lưỡng lự vì quyết định có phần trách nhiệm này. Tôi đã không đủ bao dung cho chính mình thì liệu rằng tôi có đủ trái tim để bao dung với những người xa lạ.
Thành phố xa hoa và ồn ào quá đỗi, tôi như bước vào một bức tranh mới khi bức tranh ấy được tô vẽ với đủ màu sắc, đủ hình khối khác nhau nhưng mang một âm thanh sôi động, được phủ đầy bởi những điều nhộn nhịp khác thường.
Tôi cứ ngỡ mình sẽ trải qua cuộc đời sinh viên y khoa bình thường như bao người nhưng cho dù tôi có đặt chân đến nơi xa hoa cỡ mấy thì tôi cũng phải tiếp tục gồng mình với từng trang sách, từng miếng cơm, từng chỗ ngủ. Tôi bắt đầu cảm thấy bất lực, cảm thấy quá tải, và rồi tôi muốn “buông”!
Ngày tháng năm 2002, tôi đón nhận lễ tốt nghiệp như bao sinh viên khác, cũng làm đủ thủ tục cho ngày ra trường và chẳng có bất kỳ suy nghĩ xa xôi gì. Tôi cũng không vui cũng không hẳn buồn hay do tôi chưa đủ trưởng thành để bận tâm. Khi tôi bắt đầu chính thức được lao mình ra xã hội để tự sử dụng đôi tay của mình, vận dụng những ngôn ngữ sách vở vào cái thực tế tàn khốc này chúng khiến tôi choáng váng, chúng bổ sung thêm vào noron sợ hãi của tôi, khiến tôi luôn trong tình trạng quá tải.
Tôi cũng không nhớ rõ từ lúc nào cái công việc này lại trở thành sinh mệnh của tôi, đi sâu vào trong tiềm thức của tôi và dạy tôi biết trân quý hai từ gọi là “ ngày mai”. Ngày mai tôi vẫn sẽ bận rộn với công việc thường nhật, ngày mai tôi sẽ có cơ hội găp lại những con người thân quen, va chạm với những người xa lạ. Và liệu rằng ngày mai tôi có đủ bao dung hơn nữa cho chính mình!
( Có những ký ức tưởng chừng như đã quên nhưng thật ra lại chưa từng quên chỉ là bản thân cố không nhớ đến mà thôi)
No comments: